Đối với những người không làm chuyên về nghệ thuật thì việc phân biệt các chất liệu sẽ gặp khó khăn, và thường kỹ thuật vẽ là như nhau. Nhưng trong thực tế chúng lại khác nhau khá nhiều. Lanvu Gallery xin chia sẻ một chút tính chất của các chất liệu để mọi người hiểu hơn về nguồn gốc tạo nên một tác phẩm nghệ thuật nhé!

1. Màu nước

Màu nước (tiếng Anh: wartercolor, tiếng Pháp: aquarelle) là một chất liệu khá phổ biến trong hội họa. Màu nước làm từ hạt sắc tố (pigment) trộn với chất nghiền màu (binder), gôm arabic (gum arabic). Những thuộc tính cơ bản của màu nước là tính trong suốt và nhẹ nhàng, cũng như tính thuần khiết và tính cường độ của các chất màu. Những thuộc tính ấy là do những lớp màu mỏng luôn được đặt lên giấy và vì thế các lớp màu đó trở nên trong suốt đối với những tia sáng xuyên qua. 

 

 

 

 

Tranh màu nước của họa sĩ Phan Vũ Tuấn

Hạt màu của màu nước mịn và trong nên màu nước dùng để pha loãng với nước. Quá trình sẽ màu nước là nhuộm giấy nên khi màu đã thấm vào giấy thì không thể làm màu sáng lên được. Vì vậy màu nước sẽ vẽ từ nhạt đến đậm dần, người vẽ màu nước rất hạn chế dùng đến màu trắng vì đã có màu trắng của giấy. 

 

2. Màu bột

Màu bột (Gouache) theo tiếng Pháp có nghĩa là trộn keo. Có loại dùng gói bột rồi họa sĩ tự trộn vào keo như các loại keo da trâu, keo da thỏ hay đơn giản là keo dán giày Thiên Long mà chúng ta hay dùng. Màu Gouache có sẵn trong lọ là một loại màu bột dạng keo, được công nghiệp hóa pha sẵn rồi bơm vào lọ cùng, là một dạng tiện dụng hơn của màu bột.

 

Bức “Chợ Đồng Xuân” tranh bột màu của Lê Văn Xương

Một góc chùa Quán Sứ. Tranh bột màu của họa sĩ Lê Văn Xương

 

Cuộc sống mưu sinh nhộn nhịp nơi phố Gầm Cầu. Tranh bột màu của Lê Văn Xương

Khác với màu nước tan và tạo sắc độ trong nước, màu bột có thể chồng nhiều lớp màu và vẽ ở dạng khô hay ướt đều được. Nếu như màu nước đang là chất liệu vẽ khó sửa (vẽ ăn ngay) thì màu gouache có thể sửa dễ dàng, thậm chí trong nhiều trường hợp người ta có thể “rửa tranh” để vẽ tác phẩm mới. Vì thế, màu bột vẽ phủ (phủ kín bề mặt giấy thay vì nhuộm vào thớ giấy như màu nước) nên khi vẽ sai, vẽ chưa ưng ý bạn có thể phù chồng một lớp màu khác chồng kín lên màu mình muốn che đi. Màu bột thường vẽ từ đậm đến nhạt.

3. Sơn dầu

Sơn dầu là một chất liệu khác về bản chất. Sơn dầu là gốc dầu vì nó được tạo nên bởi dung môi là dầu và chỉ có thể rửa hay pha loãng bằng dầu (dầu lanh , dầu oải hương… để pha loãng, rửa bút bằng dầu hỏa hay các loại xăng thông…)

Sơn dầu cũng dùng các bột sắc tố (pigment – thường là các khoáng chất trong tự nhiên và một số vốn rất đắt chẳng hạn như màu xanh lam ultramarine được trộn từ bột đá lưu ly hay màu đỏ từ bột đá thần sa…) trộn cùng thay vì các loại keo gốc nước thì nó dùng các loại dầu khô thực vật như dầu lanh, dầu hạt óc chó, dầu oải hương, dầu hạt thuốc phiện…( các loại dầu vừng Neptune, Trường An chúng ta dùng nấu ăn là các loại dầu không khô) để tạo nên một hỗn hợp sệt quánh và lâu khô.

Họa sĩ Lân Vũ đang trong quá trình hoàn thiện tác phẩm trên chất liệu sơn dầu

 

Tác phẩm “Chớm đông” sáng tác độc bản của họa sĩ Lê Hữu Thắng

 

Tác phẩm “Tháng Tư về” tranh sáng tác độc bản của họa sĩ Lê Hữu Thắng

 

Đặc điểm là sơn dầu rất bền màu (nếu dùng đúng tính chất của các loại dầu trên khi pha cùng), cũng như độ bền vật lý so với màu bột (có thể đắp dày mà không sợ bị rơi tróc ra như bột màu). Sơn dầu vì gốc dầu nên khá lâu khô (còn tùy vào độ dày, thời tiết và loại dung môi để pha nó nên để khô bề mặt thường ít nhất phải hôm sau hoặc mất vài ngày. Vì vậy sơn dầu có thừa thời gian thoải mái để vẽ vờn các màu quyện vào nhau khi chúng còn đang ướt. 

Quá trình vẽ sơn dầu bao gồm các bước: Sơn lót, phủ màu theo vùng và theo sắc độ màu, phác thảo hình, tạo màu cho nhân vật, thêm chi tiết và hoàn thiện. Kỹ thuật tạo màu nền khá quan trọng bởi nó định hình toàn bộ màu sắc của bức tranh. Bước phác thảo thường chỉ lấy hình dáng tổng thể chứ không vẽ chi tiết ngay. 

Mỗi một chất liệu lại có những ưu và nhược điểm khác nhau, vì vậy tùy vào phong cách, chủ đề và kỹ thuật mà mỗi họa sĩ lại lựa chọn cho mình một chất liệu phù hợp riêng để thể hiện.

 

 

 

Để lại bình luận