“Người ta nói rằng tôi vẽ rất tự do nhưng thực ra tôi làm việc trong một kỷ luật thép. Mỗi bức tôi đều vẽ với sự kính cẩn, thậm chí vẽ đi vẽ lại nhiều lần, thậm chí trên chính nó’, hoạ sĩ Lý Trực Sơn bày tỏ.
Chiều 2/8, triển lãm tranh Dạo bước qua vùng đất của sơn mài đã khai mạc tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Triển lãm trưng bày gần 30 tác phẩm sơn mài do các họa sĩ ủng hộ và đóng góp như tiến sĩ chuyên ngành sơn mài Triệu Khắc Tiến, nhà nghiên cứu văn hóa, họa sĩ Phan Cẩm Thượng, họa sĩ Lý Trực Sơn – nhà sáng lập nhóm Sơn Ta, các họa sĩ Nguyễn Thị Quế, Vũ Văn Tịch, Nguyễn Xuân Lục…
Triển lãm “Dạo bước qua vùng đất sơn mài” . Triển lãm trưng bày từ 2.8 đến ngày 8.8 tại Phòng trưng bày tầng 1 – Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học.
Lý Trực Sơn sớm phát lộ khả năng hội họa từ năm 12 tuổi. Ở tuổi 14, ông đã hoàn thiện kỹ năng hội họa hàn lâm và sớm giao du với những danh họa như Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái. Ông thành lập nhóm Sơn Ta và được nhiều đồng nghiệp công nhận là họa sĩ đứng đầu của nghệ thuật sơn mài đương thời.
“Người ta nói rằng tôi vẽ rất tự do nhưng tôi làm việc trong kỷ luật thép. Mỗi bức đều được vẽ với sự kính cẩn, thậm chí vẽ lại nhiều lần, cả trên chính nó. Để tạo được hiệu quả nghệ thuật như mong muốn, tôi đã vô cùng nỗ lực…”, Lý Trực Sơn chia sẻ.
Tác phẩm ‘Tình nhân’ (Triệu Khắc Tiến).
Triệu Khắc Tiến – Tiến sĩ chuyên ngành nghệ thuật sơn mài duy nhất tại Việt Nam bày tỏ: “Tôi đã được tiếp xúc với nghệ thuật sơn mài Nhật Bản, chứng kiến một hệ thống sơn mài được trình bày bài bản về mặt kỹ thuật, cách người Nhật bảo tồn, phát triển học thuật trên lĩnh vực này qua các thời kỳ lịch sử. Tôi mong muốn chuẩn hóa các kỹ thuật sơn ta, nhằm tăng độ bền và mở rộng biên độ chất liệu”.
Hoạ sĩ trẻ sinh năm 1989 Vũ Văn Tịch cho biết đã kiên trì, học hỏi, phát triển, mở rộng biên độ chất liệu trên sơn mài, đưa các thấu cảm cá nhân vào sáng tác. Đến nay, Vũ Văn Tịch có hơn 10 năm theo đuổi chất liệu sơn mài nhưng đã hoàn toàn làm chủ chất liệu.
Tác phẩm ‘Tâm an lạc’ (Vũ Văn Tịch)
“Tôi không có cách nào khác là kiên trì. Sự kiên trì nuôi giữ cảm xúc của tôi trong quá trình làm việc. Tôi chọn sống xa trung tâm cũng vì muốn được tập trung vào tranh của mình.
Một con đường dài bắt đầu từ những bước đi nhỏ. Những năm qua, tôi mới chỉ bắt đầu từ những gì đơn giản nhất, những thứ diễn ra xung quanh gây cho tôi xúc cảm. Tôi mong muốn phát triển cùng sơn mài”, hoạ sĩ Vũ Văn Tịch bày tỏ.
Tác phẩm ‘Hoa sen’ (Nguyễn Thị Quế)
Triển lãm cũng trưng bày 2 bức tranh tĩnh vật của họa sĩ Nguyễn Thị Quế. Hai bức tranh từng được trưng bày ở Triển lãm sơn mài quốc tế Fuzhou International Lacquer Art Biennale (Trung Quốc).
Nguyễn Thị Quế vẽ theo lối sơn mài truyền thống. Thay vì các họa sĩ hiện đại vẽ trực tiếp lên mặt vóc và ứng tác với sơn mài, Nguyễn Thị Quế nghiên cứu trên phác thảo chì. Họa sĩ phác thảo nhiều lần rồi mới chuyển thành tranh. Sự nghiên cứu kỹ lưỡng cho phép tranh đạt được độ hoàn thiện cao, không làm giảm sự phóng khoáng của đường nét.
Triển lãm kéo dài đến hết ngày 8/8/2023.
Nguồn: Báo điện tử Vietnamnet