Sơn dầu là một chất liệu quen thuộc với nhiều thế hệ họa sĩ từ bao đời nay. Sơn dầu luôn gắn liền với sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật, gắn bó với những người đã và đang miệt mài tìm kiếm những điều kỳ diệu trên chất liệu này.
Sơn dầu được chế tác bằng cách nghiền bột màu với các chất kết dính (chủ yếu là các loài dầu thảo mộc trong đó thông dụng nhất là dầu gai) dầu có đặc tính trong và khô theo theo dạng màng kính và đàn hồi. Sơn dầu là một chất liệu quánh quện, dẻo dai lúc ướt thì mịn màng, lúc khô thì bền chắc. Có thể sửa chữa hoặc cạo đi hoặc đắp dày đều dễ dàng. Ngày nay với công nghệ hóa chất phát triển nên việc chế biến sẵn trong ống và hộp màu bày bán sẵn có từ 12 – 24 màu và còn hơn thế nữa làm cho việc sử dụng càng thêm thuận lợ, với những đặc tính như vậy, sơn dầu cho vẽ lên bất cứ một mặt phẳng nào từ gỗ, vải đến những vật rắn như kim loại. Đặc biệt với sơn dầu khả năng diễn tả chất vô cùng phong phú, sơn dầu cũng nhiều cách vẽ. Mỗi cách vẽ đều có một ngôn ngữ riêng, kỹ thuật riêng, thông qua nhận thực riêng của mỗi người mà diễn tả tình cảm của mình trên mặt tranh tùy sự biểu hiện tình cảm của mỗi người lại chọn những cách vẽ khác nhau.
Kiểu vẽ dày
Với những đặc tính quánh, dẻo…từ khi vẽ đến lúc khô cũng không thay đổi hình dạng của vệt màu nên đã cho ta thỏa mãn khi diễn tả các đối tượng bằng nhiều cách khác nhau. Với cách vẽ dày các họa sĩ tên tuổi đã từng gắn liền với nó như VinCent Van Gogh, Claude Monet…Những vệt màu dày là đặc trưng của chất liệu sơn dầu mà các chất liệu khác không sánh được.
Tác phẩm “Chiều đông 4” sáng tác độc bản của họa sĩ Lê Hữu Thắng
Vẽ dày là vẽ như kiểu trát vữa, dùng bút hoặc dao quết, trát sơn quánh lên mặt vải, vừa trát vừa vờn tả làm cho màu nọ quyện màu kia. Trong khi sơn đang còn ướt, hoặc có thể tạo khối, đắp dày vài xăng ti mét đều được, dùng bay để diễn tả những mảng động, hoặc chắn màu, tạo khối, dùng cọ đi những đường nhỏ chi tiết. Khi diễn tả có nhiều cách lên màu dùng bay lấy màu đã nghiền sẵn (dùng bay nghiền màu) hoặc nặn màu trực tiếp lên mặt tranh dùng bay gạt theo các mảng, các hướng của bố cục đã định sẵn, tùy theo ý muốn tạo độ dày của màu mà nghiêng bay khi điều khiển, lướt nhanh hay chậm, mạnh hay nhẹ, gạt nhẹ tay chậm thì có độ dày và nhiều hơn, thông thường cho màu được trong không nên vẽ dày màu một lúc mà phải lên từng lớp một từ đậm đến sáng, chồng nhiều lớp màu sẽ chín hơn, không phải vẽ dày là đắp dày toàn bộ bức tranh mà phải biết chỗ nào cần dùng nhiều màu dày, vẽ dày ở tiền cảnh cho cảm giác gần hơn hoặc dùng nét màu dày để nhấn vài chỗ cần tạo tương phản nổi bật của chủ đề trong bức tranh. Van Gogh đã tạo những đường nét màu dày để diễn tả mạnh mẽ đã phản hồi dáng vẻ của nó trong chủ đề, ông đã dùng phần sơn đắp dày để nhấn mạnh trong đề tài. Mặc dù trong nét bút diễn tả của ông có sự trừu tượng trước chủ đề về thiên nhiên.
Kiểu vẽ day mỏng
Người ta thường cho rằng các vệt màu dày là đặc trưng của sơn dầu. Nhưng sơn dầu vốn có tính mềm dẻo nên có thể vẽ được nhiều cách, mỗi cách đều cho một giá trị khác nhau. Có thể vẽ day mỏng chải chuốt vờn tùy ý, hoặc muốn mỏng hơn nữa pha thêm một ít dầu lanh rồi vẽ như màu nước cũng được.
Tác phẩm “Hương vị tình Quê” sáng tác độc bản của họa sĩ Quốc Đạt
Không có một quy định nào công thức nào bắt phải vẽ mỏng hay dày ở mức độ nào, có thể chải chuốt, phết từng mảng màu, vờn tả hoặc có thể day màu tùy sở thích của mỗi người, có người dùng dầu pha thật loãng, có người để nguyên màu để diễn tả đối tượng, sơn dày hay mỏng là tùy đề tài, nội dung biểu hiện, dáng chất cần thiết cho từng tấm tranh. Mỗi cách vẽ đều có ưu điểm riêng, một vệt màu mỏng cho cảm giác xa, sâu hơn, mịn màng, mềm mại hơn vết màu dày, muốn tả một tấm vải hay lụa, làn da mịn màng của thiếu nữ,…dùng cọ mềm lấy màu rồi diễn tả chải chuốt sẽ có hiệu quả cao, dùng sơn dầu với lối di mỏng để tả thực tả chân thì không có một chất liệu nào có thể sánh kịp, có thể tả đến đường chân tơ kẽ tóc của từng đối phương, có thể sánh ngay với máy ảnh thời nay. Với kỹ thuật vẽ mỏng, họa sĩ Caravaggio trong bức tranh bữa ăn tối ở Emniaus (1596 – 1603) đã thu hút sự chú ý của người xem và hoa quả đặt ở vị trí có vẻ ngẫu nhiên trên mép bàn, họa sĩ đã vẽ rất mỏng với kỹ thuật vờn màu tạo sự mượt và bóng bảy, sự ngọt lịm của táo và nho, họa sĩ đã diễn tả thực, tự nhiên như bản chất của nó. Họa sĩ Cazanne thiết lập cấu trúc cho bức tranh bằng cách chồng nhiều lớp mỏng, với những nét vẽ ngắn và vuông, màu sắc phong phú, họa sĩ vẽ theo sơ đồ tranh khảm vừa cấu tạo hợp nhất đất với bầu trời hiện lên bức tranh với sức mạnh gây ảo giác khẩn cấp không kìm hãm được. Các họa sĩ nước ta cũng không kém phần tài năng với phong cách vẽ mỏng này như “Hai thiếu nữ và em bé” của Tô Ngọc Vân, “Phỗng Đà” của Nguyễn Hữu Ngọc … đã thuyết phục người xem bằng những nét bút mềm mại và sự duyên dáng mượt mà của thiếu nữ … Mỗi kiểu vẽ không chỉ độc nhất một cách diễn tả, cái chính là ở hiệu quả dưới bàn tay của người họa sĩ, vệt màu mỏng cho ta sự êm dịu mượt mà trong cách vẽ, đắp màu dày tạo sự nổi cộm của gạch đá, thô ráp của gốc cây bằng cách vờn bóng mỏng cũng cho hiệu quả cao. Tất nhiên là để làm được những điều đó họa sĩ cần phải có sự tích cực trong làm việc để tạo được bàn tay vàng cho mình lúc đó hơi thở tâm hồn mới được thổi vào những vật vô tri.
Nguồn: Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương