Một tác phẩm tranh cổ, nếu không được họa sĩ chú thích năm sáng tác, sẽ làm khó rất nhiều chuyên gia trong việc tìm ra tuổi thọ của tác phẩm này. Tuy nhiên đây lại là một điều rất quan trọng, nhất là với các nhà đầu giá, bởi nếu tác phẩm đó ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt nào đó, giá trị của nó sẽ tăng theo cấp số nhân trên thị trường.

Để xác định hay dự đoán số năm của một tác phẩm nghệ thuật có rất nhiều phương pháp. Người ta có thể sử dụng những phương pháp vật lý, như những phép thử nhiệm về sự hấp thụ ánh sáng đặc biệt lên chất liệu sử dụng, cho tới việc sử dụng công nghệ tiên tiến, như ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong xử lý hình ảnh, cho việc phân tích kỹ thuật vẽ, hình họa, bố cục, cách pha màu, lớp màu, etc. Tuy nhiên độ chính xác của những phương pháp này tùy thuộc vào từng điều kiện cụ thể và cũng dễ bị người làm tranh giả có kinh nghiệm qua mặt.

Một thực tế là để thẩm định một tác phẩm nghệ thuật, chuyên gia cần phải có kiến thức rất rộng, họ không những phải nắm bắt và ứng dụng được sự phát triển của khoa học công nghệ của những ngành liên quan, mà còn phải là một chuyên gia về lịch sử nghệ thuật, một nhà phê bình nghệ thuật. Bởi những kiến thức về mỹ thuật, lịch sử mỹ thuật, những hiểu biết về tác giả, quá trình sáng tác của tác giả, sẽ cho họ nhận định chuẩn xác hơn về một tác phẩm, và đôi khi những điều này cũng đã đủ  để xác định tuổi thọ của một bức tranh một cách khá chính xác.

Hãy cùng Lanvu Gallery tham khảo  cách đánh giá lại năm sáng tác của một tác phẩm theo phương pháp này nhé.

Tác phẩm “Thiếu nữ Nhật Bản”, chất liệu sơn dầu, được Bảo tàng mỹ thuật Việt Nam chú thích vẽ năm 1942.

Ví dụ mà chúng ta cùng xem xét trong bài này là bức “Thiếu nữ Nhật Bản”, thuộc bộ sưu tập của bảo tàng mỹ thuật Việt Nam. Một tác phẩm được vẽ bằng chất liệu tranh sơn dầu, bởi họa sĩ Lương Xuân Nhị. Bức tranh được trưng bày tại tầng 2, trong cùng căn phòng lưu trữ những tranh quan trọng của bảo tàng, như bức “Bình văn”, chất liệu sơn dầu vẽ boiwe họa sĩ Lê Huy Miến, là bức sơn đầu tiên trong lịch sử Mỹ thuật Việt Nam. Hay bức bình phong “ Dọc mùng” của Nguyễn Gia Trí, “em Thúy” của Trần Văn Cẩn, sơn mài “Gióng” của Nguyễn Tư Nghiêm, “Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc” của Dương Bích Liên, đều là những bảo vật quốc gia được TTCPVN công nhận.

Có thể nói những tranh treo trong căn phòng trên đều là những tranh quan trọng của bảo tàng và đều là những tranh liên quan tới lịch sử phát triển của trường Mỹ thuật Đông Dương, một giai đoạn quan trọng của lịch sử mỹ thuật Việt Nam. Nếu bạn đã từng thăm quan gian phòng trưng bày này của bảo tàng, hẳn bạn sẽ có nhiều câu hỏi đặt ra như người viết khi xem bức “Thiếu nữ Nhật Bản” của Lương Xuân Nhị. Tại sao trong phòng tranh lịch sử này lại lọt thỏm bức “Thiếu nữ Nhật Bản” của Lương Xuân Nhị. Nó có mối liên hệ gì với những bức tranh trong cùng gian phòng? Chú thích bảo tàng dành cho bức “Thiếu nữ Nhật  Bản” của Lương Xuân Nhị là được vẽ vào năm 1942. Kết luận này của bảo tàng liệu đã đúng chưa?

Thời điểm năm 1940, khi quân Nhật tràn vào Đông Dương, là một thời điểm nóng về chính trị, nhưng một thực tế là chính phủ Pháp và Nhật đã có rất nhiều trao đổi văn hóa khi đó. Một số giáo sư của Nhật và Pháp đã được cử sang hai nước tổ chức nghiên cứu học hỏi văn hóa, trong đó có hai giáo sư là Victor Goloubew của trường viễn đông bác cổ EFEO, và Ota của đại học hoàng gia Tokyo, từng qua Tokyo và Hà Nội tổ chức hội thảo. Nhiều sinh viên Nhật, Pháp, Việt được cử đi trong trương trình trao đổi du học 3-5 năm. Xuất hiện tại miền Bắc Việt Nam không chỉ là những người lính Nhật, mà còn có cả dân thường Nhật Bản. Như vậy một bức tranh vẽ chân dung cô gái Nhật vào năm 1942 của họa sĩ Lương Xuân Nhị, có thể giải thích bằng cách này hay cách khác một cách đơn giản, như họa sĩ thuê người mẫu Nhật để vẽ, hay họa sĩ được một quý bà/cô Nhật thuê vẽ. Tuy nhiên người viết cho rằng bức tranh “Thiếu nữ Nhật Bản” của họa sĩ Lương Xuân Nhị không phải được vẽ vào năm 1942, như bao tàng đã chú thích, mà được vẽ trong khoảng tháng 6-7-8 năm 1943. Tại sao vậy?

Thời điểm những năm 41- 42, trong chương trình trao đổi văn hóa giữ Nhật và Pháp có ai hoạt động mỹ thuật nổi tiếng, được báo chí hai nước đăng tải rất nhiều, là đợt triển lãm tháng 10-12 năm 1941 của các họa sĩ tên tuổi Nhật Bản (như Foujita, Yokoyama Taikan…) tại Hà Nội, Hải Phòng, Huế và Sài Gòn và tiếp đó là triển lãm của họa sĩ Takanori Ogisu năm 1942 tại Hà Nội. Các tư liệu cho thấy hoạt động trao đổi giữ những họa sĩ Nhật và những họa sĩ MTDD thời gian này chủ yếu là các họa sĩ Nhật vẽ về Việt Nam.

Tới năm 1943, chính phủ Pháp cử một đoàn gồm ba họa sĩ Việt Nam là Nam Sơn, Lương Xuân Nhị, Nguyễn Văn Tỵ sang Nhật. Chuyến tham quan kéo dài 70 ngày bắt đầu từ tháng 6 năm 1943, với mục đích chính là tổ chức một triển lãm tranh Đông Dương trước công chúng Nhật. Tại đây họ đã vẽ một loạt những tranh phong cảnh đất nước và con người Nhật Bản. Và đây, theo người viết, mới là hoàn cảnh ra đời bức “Thiếu nữ Nhật Bản” của họa sĩ Lương Xuân Nhị. Điều này hoàn toàn logic bởi một loạt những tranh vẽ về Nhật Bản của họa sĩ Lương Xuân Nhị đều ra đời trong khoảng thời gian này, như bức Phố cổ được họa sĩ chú thích rõ ràng vẽ năm 1943. Ngoài ra nếu tinh ý, bạn đọc khi thăm quan phòng triển lãm của bảo tàng này, sẽ thấy ngay cạnh cô gái Nhật của họa sĩ Lương Xuân Nhị, là một cô gái Nhật vẽ chì màu của họa sĩ Nam Sơn, được họa sĩ chú thích khá cẩn thận “tháng 8 năm 1943”. Điều này càng nói lên rằng hai bức tranh có liên hệ với nhau, được ra đời trong cùng một khoảng thời gian khi mà cả hai họa sĩ đi Nhật.

Nguồn: tổng hợp

 

Để lại bình luận