Nếu vô tình gặp tranh Van Gogh tại các trung tâm thương mại hoặc cửa hàng lưu niệm, mặc dù chỉ là hàng nhái nhưng lại gần giống như thật, thì có lẽ những tác phẩm mô phỏng này đến làng Đại Phân ở Thâm Quyến (Trung Quốc) – ngôi làng tranh sơn dầu lớn nhất thế giới.
Năm 1989, doanh nhân Hồng Kông (Trung Quốc) Hoàng Giang đã đến đây cùng 20 thợ vẽ tranh. Hiện tại trong làng đã sản sinh hơn 10.000 thợ vẽ, một con số khó có thể tưởng tượng được. Vậy thì nghề vẽ tranh dễ dàng như thế sao?
Làng vẽ tranh sơn dầu mô phỏng lớn nhất thế giới
Hàng năm, làng đại phân sản xuất hàng triệu bức tranh bán cho các cửa hàng lưu niệm và siêu thị lớn trên khắp thế giới. Theo thống kê, 70% tranh sơn dầu châu Âu đến từ Trung Quốc, và 80% trong số đó đến từ làng Đại Phân. Năm 2015, doanh thu bán tranh của làng Đại Phân đã vượt 65 triệu USD ( hơn 1,5 nghìn tỷ đồng), đáp ứng nhu cầu của nhiều nhóm “yêu thích tranh cổ nhưng eo hẹp về kinh tế” và người dân bình thường.
Nhưng trên thực tế, mặc dù tranh sơn dầu bán chạy, làng Đại Phân có danh tiếng tương đối “tầm thường” trong giới nghệ thuật. Người mua không quan tâm thợ vẽ của làng Đại Phân có tay nghề như thế nào, mà chỉ quan tâm tranh có giống tác phẩm gốc và rẻ hay không? Đối với những người thợ trong làng Đại Phân, chép tranh chỉ là một công việc giống như bán rau hay vác gạch. Họ không được đào tạo chuyên nghiệp và có thể chép tranh ngay sau 1-2 tháng đào tạo đơn giản. Bằng cách nắm vững kỹ năng mưu sinh này, bạn có thể nuôi sống bản thân và cả gia đình. Triệu Tiểu Dũng đến từ Thiệu Dương (Hồ Nam) là một trong những thợ vẽ giỏi nhất làng Đại Phân.
Hơn 20 năm trước anh từ quê nhà đến Thâm Quyến, làm công nhân tô và nhuộm màu trong nhà máy nhựa, mỗi tháng kiêm được 600 NDT (hơn 2 triệu đồng), làm việc giống như mộ cái máy không hơn không kém. Sau đó, một đồng nghiệp nói rằng anh có thể kiệm được hơn 3000 NDT/ tháng ( hơn 10 triệu đồng) bằng nghề chép tranh sơn dầu ở làng Đại Phân.
Vào những năm 1990, giá nhà ở Thâm Quyến chỉ 2000 NDT (khoảng 6,7 triệu đồng) cho mỗi mét vuông. Triệu Tiểu Dũng lập tức đến làng Đại Phân học nghề và chuyển sang vẽ tranh cho đến tận bây giờ.
Một kiếp người sống bằng nghề chép tranh
1. Trở thành một phần trong làng Đại Phân.
Triệu Tiểu Dũng không có nền tảng hội họa, cũng không có bất kỳ sở thích nào: “Tôi chỉ muốn kiếm tiền”.
Nơi đây thật sự không khác gì một nhà máy, các bản sao của Van Gogh và Monet được sản xuất bằng quy trình dây chuyền hẳn hoi. Một xưởng vẽ có thể được chia thành 3 tuyến quy trình, một tuyến có 7 người, một người vẽ một bộ phận. Người này vẽ bầu trời rồi chuyển cho người kia để vẽ thêm cây cối hoa lá, tiếp theo đến con người… Một khung toan trắng qua bàn tay của 7 người trở thành bức tranh hoàn chỉnh. Để có thể thành thạo công việc này, Triệu Tiểu Dũng vẽ hơn 10 tiếng mỗi ngày, từ trưa hôm nay đến sáng sớm hôm sau. Không lâu sau, Triệu Tiểu Dũng chính thức vào quy trình chép tranh trong làng. Thế nhưng vì không bằng lòng với với việc chỉ chép một phần của bức tranh, anh bỏ dở việc học nghề sau nửa năm và mở cửa hàng riêng để nhận đơn đặt hàng.
Van Gogh, Claude Monet, Paul Gauguin, Da Vinci… Tranh của họa sĩ nổi tiếng nào Triệu Tiểu Dũng cũng vẽ được. Nhưng rồi hiện thực đã cho anh cú vả nhớ đời, cả năm trời anh không bán được một bức tranh nào. Bạn bè khuyên anh: “Không được vẽ nhiều dòng tranh như vậy. Anh chỉ nên tập trung vào một họa sĩ. Tranh của Van Gogh rất được ưa chuộng, chắc chắn có rất nhiều đơn đặt hàng”.
Triệu Tiểu Dũng vỡ lẽ và bắt đầu làm việc chăm chỉ cả ngày lẫn đêm để chép tranh Van Gogh. Anh thề sẽ trở thành “Van Gogh đầu tiên” ở làng Đại Phân và anh đã thành công. Trong thời gian đó, Triệu Tiểu Dũng đã chép đi chép lại hàng trăm bức tranh của Van Gogh. Cuối cùng, anh đã có thể vẽ bức “Hoa hướng dương” của Van Gogh trong 28 phút và bức “Chân dung tự họa” chỉ trong 22 phút.
“Nhiều người nói chúng tôi chỉ là thợ chép tranh tầm thường. Thôi thì kiếm tiền mà, sao cũng được”.
Vài tháng sau, cuối cùng Triệu Tiểu Dũng cũng bán được bức tranh đầu tiên với ưu đãi mua 1 tặng 1. Giá thị trường lúc đó khoảng 150 NDT/bức tranh (hơn 500 nghìn đồng). Khi khách hàng hỏi giá, Triệu Tiểu Dũng nghiến răng không đành lòng nói: “Mua 2 bức, tôi sẽ lấy giá 130 tệ”.
Thế là đôi bên đã thỏa thuận. Với chất lượng tốt và giá thành rẻ, ngày càng nhiều khách hàng chọn mua tranh Van Gogh của Triệu Tiểu Dũng. Kể từ năm 2002, mỗi tháng anh nhận được 600-700 đơn đặt hàng chế tác tranh mô phỏng. Một đại lý có trụ sở tại Amsterdam (Hà Lan) đã công nhận tài năng của Triệu Tiểu Dũng và muốn hợp tác lâu dài với anh. Mỗi khi khách hàng thanh toán 50% tiền cọc, Triệu Tiểu Dũng lại lấy tiền chi trả cho cuộc sống hằng ngày, đóng học phí cho các con rồi mua sơn vẽ.
2. Lạc lối sau 20 năm “là VanGogh”
Nhận đơn đặt hàng, chép tranh, ăn uống, ngủ nghỉ, vận chuyển, lại nhận đơn đặt hàng… Cuộc sống của gia đình Triệu Tiểu Dũng cơ bản xoay vần trong xưởng vẽ của làng Đại Phân. Kinh doanh ngày càng khấm khá, song sau 10 năm một mình miệt mài, Triệu Tiểu Dũng không thể vẽ được nữa. Vì vậy, anh bắt đầu dạy nghề, nhận học trò. Đầu tiên là dạy vợ, sau đó là em trai và em vợ. Hơn 10 năm, Triệu Tiểu Dũng cùng gia đình và học trò đã chép hơn 100.000 bản sao của Van Gogh.
Sau nhiều năm hợp tác vui vẻ, đại lý tranh đã nhiều lần mời Triệu Tiểu Dũng đến Hà Lan, chỉ cần chi tiền vé máy bay, còn lại họ sẽ lo hết. Triệu Tiểu Dũng chỉ ậm ừ cho qua, anh không bao giờ đi. Hà Lan là đất nước có mức sống đắt đỏ, chi phí máy bay không hề rẻ. Gia đình phải ăn, các con phải đi học, anh không thể đi. Gia đình nghèo, anh nghỉ học cấp 2 và đi làm công, hiện tại sống dựa vào nghề vẽ tranh để nuôi cả gia đình đông người. Đến lúc không thể vẽ được nữa, anh giao công việc cho các thợ tranh và trở thành quản lý. Trên thực tế, anh nên thấy đủ với hiện tại. Tuy nhiên, anh cảm thấy lạc lõng và không biết việc chép tranh máy móc thế này có ý nghĩa gì, nghĩ thôi cũng có thể vẽ ra được viễn cảnh mấy chục năm sau.
Đêm đó, Triệu Tiểu Dũng mơ thấy Van Gogh. Vị danh họa bước ra khỏi bức tranh và nói với anh:
“Tiểu Dũng, anh đã bắt chước tôi gần 20 năm, bây giờ vẽ các tác phẩm của tôi, cảm thế nào rồi?”.
Triệu Tiểu Dũng lập tức trả lời: “Tôi đã hiểu được ông rồi!”.
Càng nói chuyện, Triệu Tiểu Dũng càng phấn khích, bất giác vươn tay chạm vào Van Gogh, nhưng cố đến mấy cũng không bắt được hình bóng ấy. “Hóa ra chỉ là một giấc mơ”.
Triệu Tiểu Dũng đã mất ngủ cả đêm, nước mắt ướt đẫm gối đầu. Anh bắt đầu đối diện với suy nghĩ sâu trong lòng: Anh luôn muốn tận mắt chứng kiến những tác phẩm thật sự của Van Gogh mà bản thân đã sao chép trong suốt 20 năm.
3. Hành trình tìm đến Van Gogh thật sự
Bình thưởng, Triệu Tiểu Dũng xem các tác phẩm của Van Gogh qua sách báo và máy tính, có thể nhìn rõ nhưng không có linh hồn.
“Tôi muốn học vài điều từ tác phẩm gốc của ông ấy để xem liệu tôi có thể tìm ra con đường của mình hay không”.
Sau Tết Nguyên đán, một số thợ vẽ tranh ở làng Đại Phân tụ tập lại với nhau. Trên bàn rượu, Triệu Tiểu Long lấy hết can đảm: “Mong ước lớn nhất trong cuộc đời của tôi là đến Bảo tàng Van Gogh để xem tác phẩm thật sự! 20 năm vẽ Van Gogh cũng phải tận mắt xem một lần, đúng không!”.
Những người thợ khác đồng loạt hưởng ứng.
Vợ của Triệu Tiểu Dũng cắt ngang: “Cạn ly, hy vọng mọi người năm mới làm ăn phát đạt!”
Vợ nhất quyết không đồng ý quyết định xuất ngoại của anh, chủ yếu là vì quá tốn kém. Con cái cũng không ủng hộ.
Triệu Tiểu Dũng bực dọc, nhưng cũng không thể bỏ mặc gia đình.
Không đi Bảo tàng Van Gogh, Triệu Tiểu Dũng chỉ có thể đọc sách của Van Gogh. Một ngày nọ, anh tìm được bộ phim của Van Gogh, vui đến mức gọi tất cả bạn bè đến xem cùng.
Đêm nằm trên giường, anh vẫn hào hứng làm công tác tư tưởng cho vợ.
“Nếu tiếp tục vẽ Van Gogh, chúng ta phải nhìn thấy chúng một lần ngoài đời, có khi sau đó còn kiếm ra nhiều tiền hơn”. Vợ xuôi lòng và gật đầu đồng ý.
Sau hơn 10 tiếng bay đường dài, Triệu Tiểu Dũng đã phấn khích tột độ, đi cùng anh là nhóm làm phim tài liệu lấy chủ đề “China’ Van Gogh” (tạm dịch: Van Gogh Trung Quốc) ghi lại hành trình của người làm tranh nhái làng Đại Phân lần đầu tiên chiêm ngưỡng tác phẩm gốc của họa sĩ đại tài. Máy bay hạ cánh thuận lợi xuống sân bay Amsterdam, anh vẫn không tin mình đã làm được điều này.
Cánh đồng, đường phố, tòa nhà… mọi thứ ở quê hương của Van Gogh đều là những điều mới lạ. Anh sử dụng chiếc điện thoại không quá hiện đại chụp mọi thứ mình nhìn thấy.
Song mục đích của chuyến đi này là để gặp Van Gogh và chào hỏi những khách hàng cũ.
Đến trước Bảo tàng Van Gogh, anh tìm gặp chủ buôn tranh đã hợp tác nhiều năm nhưng đã lâu không gặp, hai người ôm nhau trìu mến.
Nhưng sau khi đi dạo quanh cửa hàng của đối tác, anh bắt đầu cảm thấy vô cùng thất vọng.
Những bức tranh sơn dầu anh cẩn thận chép được ông chủ treo lên tường chồng chất lên nhau như bán hàng ngoài chợ trời để mọi người cùng lựa.
“Tôi đã làm việc với anh ta rất lâu. Tôi nghĩ cửa hàng của anh ấy cao cấp giống phòng trưng bày. Ai mà biết chỉ là nơi bán đồ lưu niệm”.
Triệu Tiểu Dũng phát hiện những bức tranh của mình được bán với giá 500 euro (khoảng 12 triệu đồng). Nhưng người mua chỉ trả chưa đến 450 NDT (hơn 1,5 triệu đồng, chưa bằng 1/10 giá tranh bán ở Hà Lan.
Tiểu Dũng đi qua đi lại bên ngoài cửa hàng, hút thuốc hết điều này đến điếu khác, im lặng không nói một lời. Triệu Tiểu Dũng bất lực với sự thật trần trụi này.
Thế nhưng mục đích quan trọng nhất của chuyến đi này là xem tranh. Anh lấy lại tinh thần, đi qua cánh cổng sắt nặng trịch, cuối cùng bước vào viện bảo tàng.
Khi cánh cửa mở ra, thứ đập vào mắt Triệu Tiểu Dũng là bức “Hoa hướng dương”.
Anh đã vẽ bức tranh này hàng nghìn lần. Không nói lời nào, anh nhìn chằm chằm bức tranh hơn 10 phút đồng hồ.
Phông nền, hoa, cành lá… Anh chăm chú ngắm, như muốn khắc sâu từng chi tiết của bức tranh vào tâm trí.
Nhìn xung quanh, Triệu Tiểu Dũng đã vẽ hầu hết các bức tranh của Van Gogh ở đây.
Sau 20 năm vẽ tranh, Triệu Tiểu Dũng cảm thấy một sự kỳ lạ chưa từng có khi lần đầu tiên nhìn thấy tác phẩm gốc. “Không giống, màu sắc không giống…”.
Sau khi xem một hồi lâu, anh bất giác muốn đưa tay chạm vào bức tranh nhưng đã bị bảo vệ ngăn lại.
Không biết từ khi nào, Triệu Tiểu Dũng đã khóc.
Mãi đến giờ bảo tàng đóng cửa, Triệu Tiểu Dũng mới đi ra như người mộng du, đi được một đoạn rồi ngồi xổm bất động bên đường.
Trên đường trở về khách sạn, anh nói với đạo diễn: “Tôi đã vẽ 100 nghìn bức tranh trong 20 năm, nhưng nó còn kém xa tranh của Van Gogh”.
Đêm đó, anh lại không ngủ được. Sau khi trở về Trung Quốc, tôi nên tiếp tục vẽ như thế nào đây?”
Chuyến đi nhanh chóng kết thúc và đã đến lúc phải nói lời từ biệt. Ngày cuối cùng trước khi trở về, Triệu Tiểu Dũng đến trước lăng mộ Van Gogh.
Trước bia mộ, anh đã nói chuyện với Van Gogh rất lâu. “Chỉ một câu thôi, ông ấy mà, sinh ra vĩ đại và chết đi vẻ vang!”.
4. Tìm thấy chính mình sau 20 năm sống nhờ vào tranh nhái
Triệu Tiểu Dũng trở lại Đại Phân chia sẻ trải nghiệm về chuyến đi với gia đình và những người trong làng.
Ban đầu hứng khởi vui vẻ, nhưng rượu vào lời ra, Triệu Tiểu Dũng bắt đầu trầm lặng.
“Những người trong bảo tàng nói với tôi rằng, tôi đã vẽ tranh Van Gogh 20 năm, vậy tôi có tác phẩm nào của riêng mình không? Tôi sửng sốt. Tôi chỉ đang sao chép, không có một tác phẩm nào của riêng mình, tôi không biết phải trả lời như thế nào. Xét cho cùng, chúng ta chỉ là thợ chép tranh. Phải công nhận việc từ một thợ vẽ trở thành một họa sĩ thật sự rất khó. Nhưng tôi vẫn muốn làm điều đó. Tôi không muốn làm Van Gogh và cuối cùng chết đói, nhưng tôi vẫn muốn trở thành nghệ thuật gia”.
Nghe Triệu Tiểu Dũng bộc bạch, một cô gái cũng thổ lộ rằng cô muốn thay đổi phong cách vẽ tranh nhưng hơi do dự.
Triệu Tiểu Dũng nắm tay cô: “Tiểu Ngư, hãy làm những gì mình muốn”. Lời này thốt ra cũng giống như anh đang nói với chính mình.
Kể từ đó, Triệu Tiểu Dũng không còn sao chép Van Gogh, mà bắt đầu vẽ tranh trước nhà.
Dưới cơ sở sao chép kỹ thuật Van Gogh, Triệu Tiểu Dũng thỏa sức sáng tạo. Sau 20 năm vẽ tranh Van Gogh, thu nhập của anh rất ổn định. Song anh quyết định làm theo trái tim. Giống như nhiều họa sĩ nổi tiếng khác, Triệu Tiểu Dũng cũng dùng kinh nghiệm sống của mình làm khuôn mẫu để tạo nên bức “Xưởng vẽ”. Gia đình đã sống trong xưởng này hơn 10 năm, sao chép Van Gogh ngày đêm, giống như công nhân trong dây chuyền sản xuất. Thời tiết oi bức, trẻ con quấy khóc, người buồn ngủ và mệt mỏi, nhưng vẫn làm việc như cái máy.
Bây giờ, bức tranh đặt dấu chấm hết cho cuộc đời đó.
Trong một cuộc phỏng vấn với đạo diễn phim tài liệu “China’s Van Gogh” , được biết Triệu Tiến Dũng đang sống ở khu vực Giang Tô và Chiết Giang, mở một phòng tranh nhỏ.
Bây giờ Triệu Tiểu Dũng khá thành công, người ta nói rằng một số tác phẩm được bán với giá 5 con số. Năm 2020, một cơ sở ở Hà Lan đã đặt 800 bức tranh trong thời hạn 40 ngày.
Điều này có nghĩa là xưởng của Triệu Tiểu Dũng phải sản xuất 20 bức/ ngày và thợ vẽ phải làm thêm giờ. Vì số lượng đơn đặt hàng lớn, nhà buôn tranh Hà Lan đã cọc hơn 100.000 NDT, Triệu Tiểu Dũng vui mừng đến phát khóc. Giống như Van Gogh, Triệu Tiểu Dũng đang chạy đua trên con đường tìm lại chính mình.
Nguồn: Zhihu