Sơn ta và sơn mài Việt Nam bén duyên, hòa quyện với nhau như mối lương duyên tiền định. Trong lịch sử nghìn năm sơn ta, trăm năm sơn mài, “sơn ta-sơn mài” bền bỉ truyền tải giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc. Nhiều tác phẩm tranh sơn mài trở thành bảo vật quốc gia, được các chuyên gia trong nước và quốc tế đánh giá sánh ngang với những tác phẩm hội họa hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, khoảng 20 năm trở lại đây, sơn ta- sơn mài chịu sự tác động mạnh mẽ của sơn công nghiệp. Do lợi nhuận, có lúc tranh sơn mài bị đánh lận với sơn công nghiệp làm mất đi giá trị văn hóa, nghệ thuật sơn ta- sơn mài, vàng thau lẫn lộn… Trong cơn bĩ cực ấy vẫn có các họa sĩ tranh sơn mài trong và ngoài nước, các nhà nghiên cứu, phê bình mỹ thuật, các nghệ nhân làm vóc, làm vàng, bạc quỳ tha thiết với tình yêu sơn ta-sơn mài. Họ tập hợp nhau lại thành Nhóm họa sĩ Sơn ta Việt Nam với mong muốn tiếp nối, phát huy tranh sơn mài Việt Nam trở thành dòng tranh quốc họa.

 

Sức sống sơn ta trong văn hóa Việt

Từ xa xưa, cha ông ta đã sử dụng sơn ta vào các sản phẩm tạo ra, biến chúng thành những đồ vật tồn tại lâu dài. Ai đã có dịp thả tâm hồn chiêm ngưỡng nội thất của đình, chùa thì sẽ cảm nhận được vẻ đẹp của chất liệu sơn truyền thống trong từng hiện vật, choáng ngợp trước những pho tượng, hương án, sập thờ, hoành phi, câu đối, cửa võng, chân đèn và kết cấu kiến trúc. Toàn bộ chất liệu đều được lấy từ thiên nhiên: Nhựa cây, vàng bạc, thần sa, chu sa… rất hợp với thẩm mỹ và triết lý sống của người Việt. Có nhiều người mê đắm chất liệu sơn truyền thống. Theo năm tháng, đặc tính vẻ đẹp tiềm ẩn của sơn ta thấm đẫm, nuôi dưỡng tâm hồn để rồi cả đời họ như con tằm nhả tơ, vẽ, mài tỏa sáng giá trị nghệ thuật của sơn ta. Họa sĩ Nguyễn Trường Linh, Chủ nhiệm Khoa Mỹ thuật, Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, Chủ nhiệm Nhóm họa sĩ Sơn ta Việt Nam cho biết: “Tôi tiếp xúc với sơn ta từ khi rất nhỏ. Vì nhà bà ngoại chế tác sơn và buôn bán đồ mỹ nghệ về sơn. Niềm đam mê sơn ta ngấm dần vào trong những trò chơi trẻ con, theo vào trong cả giấc ngủ”. 

Theo anh Linh, sơn ta Việt Nam là loại sơn đặc biệt, được chế xuất từ một loại nhựa cây tự nhiên. Cây sơn mọc ở miền Bắc nước ta. Hiện nay, cây sơn ta chủ yếu được trồng ở tỉnh Phú Thọ có tên khoa học là Rhus succedanea. Khác với cây sơn mọc ở Trung Quốc, Triều Tiên và Nhật Bản thuộc giống Rhus vernicifera, cây sơn mọc ở Thái Lan và Myanmar thuộc giống Melanorrhoea usitata. Nhựa sơn chiết từ cây sơn Nhật là urushiol rất bóng và khô nhanh. Còn sơn ta vì hàm lượng keo (gum) cao nên màng sơn mềm hơn, nhờ đó họa sĩ hay nghệ nhân dễ đánh mài mặt sơn tới nhẵn bóng. Bên cạnh đó, sơn ta rất hợp với khí hậu nhiệt đới của Việt Nam. Theo thời gian, mặt sơn tiếp tục hấp thụ trao đổi với môi trường (do bị oxy hóa) tạo ra các liên kết ngang, làm mặt sơn mài càng để lâu càng trở nên trong sáng, cứng và rực rỡ hơn.

Trong lịch sử, sơn ta được sử dụng từ hàng nghìn năm về trước. Năm 1010, Lý Công Uẩn định đô ở Thăng Long đã xuất hai vạn quan tiền làm 8 ngôi chùa, tạc hơn 1.000 pho tượng Phật, vẽ hơn 1.000 bức tranh Phật. Việc xây dựng kinh đô, chùa tháp lộng lẫy góp phần phát triển nghề sơn, tăng cường đội ngũ thợ sơn vẽ. Thời Trần có quy định chặt chẽ về dùng màu sơn kiệu và võng lọng. Thời Lê Trịnh, sơn được liệt vào loại sản phẩm hiếm, quý ngang đồng, sắt, tơ lụa. Các mặt hàng đồ sơn thời Lê Trịnh gồm tranh bình phong, đồ mỹ nghệ, khay bát, hòm… đã được xuất khẩu sang Anh. Ngoài ra, sơn ta còn được dùng để sơn kiệu, long đình… Sơn sống được pha với dầu trẩu làm sơn quang dầu, tăng độ bóng, chống bụi, chống mưa cho đồ vật dụng.

Trong cuốn “Ký sự đàng ngoài” của cha cố người Pháp Tissanier có đoạn viết: “Người Việt không có những tàu biển lớn nhưng có những thuyền do người chèo rất đẹp. Những thuyền này được sơn son thếp vàng. Nước sơn của họ đẹp đến nỗi tôi không thấy ở đâu có thể bằng được”.

Xem thêm phần 2 tại đây

Nguồn: https://ct.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/bai-1-hon-son-ta-524232

Để lại bình luận