Hòa quyện vào sơn mài

Sơn mài xuất xứ từ sơn ta như một sự tất yếu, chờ sự khám phá của con người. Sau năm 1925, thuật ngữ sơn mài mới xuất hiện. Họa sĩ Lý Trực Sơn, thành viên Nhóm họa sĩ Sơn ta Việt Nam, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam kể rằng: “Tôi may mắn được nghe ông Trần Văn Cẩn nói chuyện. Hôm đó không biết làm sao ông ấy vui vẻ cao hứng kể rất chi tiết lịch sử sơn mài đi vào hội họa của Việt Nam như thế nào. Trước khi sơn mài có mặt tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, thực tế sơn ta đã có mặt từ rất lâu trong dân gian. Và các thầy hội họa người Pháp ở Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương có nói với sinh viên là các anh nên học tập kỹ thuật sơn cổ truyền của đất nước mình để ứng dụng sang hội họa. Sau một thời gian, sinh viên nghĩ ra kỹ thuật mài nên mới tha thiết đề nghị cụ nghệ nhân Phó Thành chế tạo cho họ một loại sơn cánh gián có thể mài được. Sau một thời gian cụ Phó Thành tìm tòi đã thành công”. Thực ra bí quyết là thêm nhựa thông vào sơn, làm sơn giòn hơn. Khi màu cánh gián nhuyễn vào sơn, người họa sĩ thếp hay giầm vàng, bạc lên vẫn còn một phần chất màu nâu trong trên bề mặt, giống như một thứ ánh sáng bị nén rất chặt, đến mức sẫm lại. Đến khi mài thì lộ dần ra lõi bên trong rất sáng, huyền ảo. Có lẽ vì vậy nên theo những họa sĩ sơn mài, quá trình mài mới là quá trình vẽ, sáng tác. Đòi hỏi người vẽ phải có óc tưởng tượng rất cao. 

Theo họa sĩ Nguyễn Đức Việt, Phó chủ nhiệm Nhóm họa sĩ Sơn ta Việt Nam: “Sơn là vẽ, đưa ra khả năng phối trợ, bao gồm dự định phối hợp của nhiều lớp màu được chồng đè lên tranh. Mài cũng là vẽ, là làm phẳng, tận dụng khả năng phối hợp (cả ngẫu nhiên và chủ động) của những lớp màu đã sơn theo dự kiến lúc trước. Với kỹ thuật như trên, sơn mài có ưu thế về chiều sâu, lộ rõ thứ lớp của nhiều lớp màu; khi bức tranh được đánh bóng thì hiệu quả theo chiều sâu tăng lên rõ rệt, không một chất liệu nào sánh kịp”. Tiến lại phía bức tranh sông Hồng, Nguyễn Đức Việt giới thiệu với tôi: “Đây là bức tranh đạt 3 tiêu chuẩn: Chiều sâu, rộng và cao. Bức này vẽ theo lối cũ của các cụ nên đầu tư rất nhiều công sức. Từ việc lên ý tưởng đến phối màu vẽ, mài. Hội họa cũng giống như các môn khoa học, chỉ có những công thức chung. Mỗi họa sĩ tự thúc bách bản thân tìm tòi những bí quyết riêng. Mài là một nghệ thuật huyền diệu. Nghệ sĩ không chỉ cảm nhận bằng tâm, bằng mắt mà bằng cả tay nữa. Phải tập trung cao độ như trạng thái thiền, khi vẽ, mài chỉ còn thấy mỗi tranh và màu sắc sơn, không còn thấy gì xung quanh. Mài chưa tới hay quá mỏng thì màu sắc đều không đạt đến độ sắc nét, thăng hoa”.

Quả thật cái huyền diệu của sơn ta đi vào sơn mài vốn dĩ nó đã tồn tại, không phụ thuộc vào sự phát hiện của con người. Có dịp đến chùa Bút Tháp, xã Đình Tổ (Thuận Thành, Bắc Ninh) chiêm bái bức tượng Bồ tát Quan Thế Âm thiên thủ thiên nhãn bằng gỗ lớn nhất Việt Nam. Bức tượng có niên đại từ năm 1656, sau mấy trăm năm, tượng gỗ choàng dưới lớp sơn ta vẫn tỏa sáng vẻ đẹp lộng lẫy, thâm nghiêm. Nhắm mắt, tập trung hết mẫn cảm vào đầu ngón tay rồi lướt nhẹ bàn tay trên bề mặt tượng tròn, chất sơn mát lạnh, trơn hoạt nuột nà cảm giác như bước vào thế giới linh thiêng với hồn cốt sơn ta của cha ông từ ngàn năm trước.

Câu chuyện ra thế giới

Họa sĩ Nguyễn Trường Linh có tranh tham gia rất nhiều cuộc quốc tế. Năm 2016, Trường Linh và một số họa sĩ Việt Nam tham gia Liên hoan nghệ thuật sơn mài tại Hàn Quốc. Khi họa sĩ Việt Nam giới thiệu về quy trình sáng tác, rất nhiều họa sĩ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc ngạc nhiên, thích thú vì sự kỳ diệu của sơn ta là mài được thành nhiều lớp, tạo ra hiệu ứng màu sắc độc đáo, bất ngờ. Theo cảm giác, sáng tạo của từng họa sĩ, sơn ta kết hợp với các lớp vàng, bạc, vỏ trứng, thần sa… sau đó mài ra từng lớp nên bề mặt tranh có 7 đến 10 lớp. Đây là điểm khác biệt, độc đáo của tranh sơn mài Việt Nam với 3 nước trên. Tranh sơn mài của Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc do chất sơn cứng, bóng nên họ chỉ vẽ, phủ bóng, rất ít mài.

Kết thúc liên hoan năm 2016, một đài truyền hình của Hàn Quốc cử đoàn làm phim tài liệu sang Việt Nam. Nhờ sự giúp đỡ của họa sĩ Nguyễn Trường Linh, đoàn làm phim đã lên vùng trồng sơn ở tỉnh Phú Thọ. Họ quay phim về cây sơn ta, gặp các nghệ nhân chế tác sơn, vóc, xuống các làng nghề sơn mài. Khi đến xưởng vẽ của họa sĩ Trường Linh, đạo diễn người Hàn Quốc trầm trồ thốt lên: “Tôi đã đi đến 4 nước để làm phim tài liệu về sơn mài, nhưng ở Việt Nam, tôi không hiểu vì sao những bức tranh có chiều sâu đến vậy?”. Đến khi được giải thích tỉ mỉ về kỹ thuật và tận mắt thấy bàn tay họa sĩ Trường Linh đẫm mồ hôi, đánh bóng vào mặt tranh thì vị đạo diễn như ngộ ra: “Sơn Việt Nam hấp thụ được hơi nước, mồ hôi của người họa sĩ nên trong mỗi bức tranh là cả thế giới nghệ thuật riêng của người vẽ. Sự điều chỉnh hơi nước qua lòng bàn tay và sự dụng công của người vẽ kết hợp nhuần nhuyễn với sơn ta tạo nên giá trị riêng biệt sơn mài Việt Nam”.

Tranh sơn mài sử dụng sơn ta trên mica của Ando Saeko

Càng tìm hiểu về sơn ta càng thấy nhiều điều mới lạ, kỳ thú. Mỗi họa sĩ đều tìm thấy một vẻ đẹp riêng của sơn ta. Chỉ một chút về màu sơn thôi, nếu người họa sĩ đã chạm tới, phát huy lên nghệ thuật sơn mài thì có lẽ cả cuộc đời mình cũng chưa đủ. Như họa sĩ người Nhật Bản Ando Saeko, có thâm niên hơn 20 năm nghiên cứu, sáng tác, khám phá các góc cạnh của sơn ta đã từng nói: “Học hiểu về sơn ta, nhưng để ứng dụng và phát huy hết cái đẹp của sơn ta lên nghệ thuật sơn mài, có lẽ cả đời vẫn chưa gọi là đủ”. Sự cầu kỳ, kén chọn cả người vẽ và người thưởng thức thực sự là thách thức đối với những ai đủ đam mê, dấn thân đến với sơn ta- sơn mài.

Xem thêm phần 1 tại đây

Nguồn: https://ct.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/bai-1-hon-son-ta-524232

 

 

 

Để lại bình luận