Bức số 7 vẽ ba vệt màu của Mark Rothko được bán với giá 82,4 triệu USD, đứng thứ tư trong danh sách tác phẩm đấu giá đắt nhất năm 2021, do the Value thống kê. Trước đó, tranh số 6 (Violet, Green và Red) – ra đời năm 1951 – được tỷ phú người Nga Dmitry ReBolovlev mua lại từ người môi giới Yves Bouvier với giá 186 triệu USD( bao gồm thuế phí), năm 2014. Thương vụ không thành công khi ReBolovlev bị bắt vì cáo buộc tội hối lộ quan chức và gian lận trong mua bán tác phẩm nghệ thuật, nhưng tranh vẫn được xếp vào hàng đắt nhất lịch sử mỹ thuật. Bức Orange, Red, Yellow vẽ năm 1961 được đấu giá 86,9 triệu USD tại Christie’s vào tháng 5 năm 2012. Bức số 10 bán với giá 81,9 triệu USD, số 1 là 75,1 triệu USD.
Trên các diễn đàn, mạng xã hội, nhiều người cho rằng không thể hiểu nổi tại sao tranh của Mark Rothko lại đắt như vậy. Một số khán giả đã bình luận: “Ôi, nghệ thuật thật điên rồ”; “Con tôi cũng vẽ được như thế”…
1. Nghệ thuật ẩn trong những vệt màu làm nên giá trị tác phẩm
Theo giới chuyên môn, Mark Rothko nổi tiếng với phong cách nghệ thuật color field (tranh tường màu). Tranh của ông gồm những mảng màu loang hình chữ nhật xếp chồng lên nhau không đồng đều, phần mép mềm mại .
Theo Arthive, những vệt màu của Mark Rothko không đơn giản như mọi người nghĩ. Họa sĩ áp dụng nhiều kỹ thuật, được giữ kín với cả các trợ lỹ của ông. Các nghiên cứu bằng kính hiển vi điện tử và tia cực tím cho thấy Rothko sử dụng một thành phần tự nhiên như trứng, keo da thỏ và nhân tạo như màu acrylic, keo phenol formaldehyde, sơn alkyd cùng nhiều chất khác …Các chất này giúp màu mau khô, dễ dàng vẽ lớp mới chồng lên.
Một bức tranh của họa sĩ có thể lên tới 20 lớp với các sắc thái tương tự. Điều này giúp tác phẩm đạt hiệu ứng về chiều sâu và phát ra ánh sáng từ bên trong. Phần mép mềm mại, mờ dần tạo cảm giác bức tranh không có ranh giới.
Theo Artnews, những mảng màu được Rothko được các nhà phê bình, sử gia nghệ thuật cho rằng có thể gợi sự siêu hình. Sự tương phản sáng và tối, màu nóng và lạnh thể hiện quan điểm của ông về xung đột và khó khăn trong cuộc sống hiện đại. Ban đầu họa sĩ sử dụng những sắc màu tươi sáng, rực rỡ và kích thước lớn. Từ 1958 trở đi, ông chuyển sang màu xanh lam, lá cây, sau đó là nâu sẫm, hạt dẻ và đen. Kích thước tranh cũng nhỏ dần. Theo Guardian, sự thay đổi màu sắc thể hiện nỗi buồn trong đời sống cá nhận của họa sĩ. Ông gặp nhiều biến cố, sa sút sức khỏe, tinh thần và chọn cái chết năm 1970.
Chịu ảnh hưởng từ Triết học của Friedich Nietzsche (Đức), Rothko khám phá mối quan hệ vô thức giữa con người và màu sắc. Vì vậy, họa sĩ sử dụng các mảng màu, chiều sâu không gian để thu hút mọi người đối thoại với tác phẩm. Khi giảng tại trường Mỹ thuật Carlifonia năm 1947, họa sĩ nhận định: “Bức tranh thú vị nhất là giúp người ta nghĩ nhiều hơn những gì nhìn thấy”.
Trên tạp chí Tiger’s Eye số ra tháng 12/1947, Rothko nói : “Một bức tranh sống bằng sự đồng hành, mở rộng và tinh tường trong mắt người quan sát. Nhưng nó sẽ chết nếu rơi vào tay những người không xứng đáng. Nó sẽ làm giảm giá trị bởi ánh mắt thô tục, kém cỏi, cay nghiệt gieo rắc khổ đau trên toàn thế giới!”
Cuốn Mark Rothko: 1903-1970 ghi rõ, Rothko luôn có yêu cầu đặc biệt về không gian trưng bày triển lãm. Họa sĩ kiên quyết không đặt tranh của mình cạnh tác phẩm của nghệ sĩ khác hay vật thể lạ. Tranh không đóng khung, treo gần sát sàn trong căn phòng tối, không cửa sổ. Người xem nên đứng gần để hòa mình vào tác phẩm và cảm nhận. “Không gì có thể ngăn cản bức tranh của tôi và người xem”, ông nói.
Họa sĩ phản đối mọi người nói tranh của ông là đặc trưng của nghệ thuật trừu tượng. Họa sĩ từng nói: “Nghệ thuật của tôi không trừu tượng, nó sống và thở. Tôi không quan tâm đến mối quan hệ của màu sắc, hình thức hay bất cứ thứ gì khác. Tôi chỉ quan tâm đến việc thể hiện những cảm xúc cơ bản của con người: bi kịch, ngây ngất, tuyệt vọng… Thực tế có nhiều người suy sụp và khóc khi nhìn thấy tranh, cho thấy tôi có thể truyền đạt những cảm xúc cơ bản của con người”.
Rothko cũng không thích các nhà phê bình, sử gia phân tích tác phẩm. “Không lời nhận xét nào có thể diễn giải tranh của chúng tôi. Diễn giải phải đến từ trải nghiệm viên mãn giữa tác phẩm và người xem. Thưởng thức mỹ thuật giống như một cuộc hôn nhân của tâm trí. Nghệ thuật cũng giống như hôn nhân, thiếu viên mãn sẽ dẫn đến rạn nứt”, ông viết trong bức thư gửi New York Times năm 1943.
2. Tên tuổi của họa sĩ giúp phần đẩy giá tranh
Theo Arthvie, Rothko được xem là họa sĩ tiêu biểu của chủ nghĩa biểu hiện trừu tượng Mỹ sau Thế chiến II.
Họa sĩ sinh ra ở Latvia sau đó sang Mỹ định cư và học tập. Ông bắt đầu phát triển sự nghiệp nghệ thuật vào những năm 1928 khi một số đơn vị thuê ông thực hiện các tác phẩm hội họa ở nơi công cộng và trùng tu kiến trúc. Họa sĩ sau đó chuyển dần từ những bức tranh có nhiều hình trạng sang tác phẩm trừu tượng cao. Từ những năm 1950, ông thực hiện nhiều triển lãm cá nhân tại các phòng trưng bày ở Mỹ, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Hà Lan…Tranh của ông được các nhà sưu tập yêu thích và tìm mua.
Rothko là một trong những khách mời danh dự tham gia lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ John F. Kennedy năm 1961. Họa sĩ được dùng tiệc tối cấp cấp nhà nước Tổng thống Lydon Johson và phu nhân Lady Bird. Tranh của ông được triển lãm tại các phòng trưng bày, bảo tàng nghệ thuật hàng đầu thế giới. Ngoài vẽ, ông còn giảng dạy tại trường Mỹ thuật California, Cao đẳng Brooklyn…
Trong Mark Rothko:
The Works on Canvas, nhà sử học nghệ thuật David Anfam cho biết Rothko sáng tác khoảng 836 tác phẩm hoàn chỉnh trong suốt sự nghiệp. Giá trị tranh của Rothko tăng cao trong nhiều thập kỷ sau khi ông tự sát vào năm 1970.
3. Chiêu thức kinh doanh của các nhà đấu giá
Ngoài ra, chiêu thức kinh doanh trong hoạt động nghệ thuật của các nhà đấu giá, người môi giới là điều không thể thiếu. Tờ Guardian nhận định: “Thị trường nghệ thuật không phản ánh ai là họa sĩ giỏi nhất. Bức tranh được định giá cao nhất không có nghĩa là đẹp nhất. Mua và bán tác phẩm nghệ thuật là hoạt động kinh doanh. Vì vậy, giá cả của nó được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố chứ không phải chỉ vì chất lượng tác phẩm”.
Nguồn: Tổng hợp