Sơn mài là một trong các chất liệu hội họa của Việt Nam. Nó là sự tìm tòi và phát triển kỹ thuật của nghề sơn (nghề sơn ta) thủ công truyền thống của Việt Nam thành kỹ thuật sơn mài. Tuy nhiên, từ dùng để gọi sơn mài thường được hiểu sang các đồ dùng nỹ nghệ của Nhật, Trung Quốc. Thật ra, kỹ thuật mài là điểm khác biệt lớn giữa đồ thủ công mỹ nghệ nước ngoài và tranh sơn mài Việt Nam. 

Hội Xuân miền Bắc. Tranh Sơn mài của Nguyễn Gia Trí

Lịch sử phát triển nghề sơn mài

Năm 1925, trong một buổi  làm việc tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, họa sĩ Josehp Inguimberty đã sửng sốt trước các hoành phi câu đối sơn son thếp vàng lâu đời. Ông đề xuất ngay với thầy Victor Tardieu, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương nay là trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam để đưa sơn ta vào chương trình nghiên cứu và thực tập. Từ đó, chất liệu sơn mài liên tục được sáng tạo từ hai màu truyền thống là cánh gián đỏ và đen, sau này có thêm các vật liệu như màu vàng, bạc, son, then, vỏ trứng, vỏ trai…

Sơn ta truyền thống – chất liệu chỉ sử dụng trong trang trí, đã trở thành một chất liệu hội họa. Có thể nhắc đến bức tranh sơn mài đầu tiên của Trần Quang Chân trên bình phong Cành tre bóng nước năm 1934. Nhưng phải kể đến họa sĩ Nguyễn Gia Trí, người dẫn đầu thời kỳ cực thịnh của tranh sơn mài (1938 – 1944) với những tác phẩm tiêu biểu như Cảnh nông thôn (1939), Thiếu nữ bên hoa phù dung (1944). Ông cùng một số họa sĩ khác như Nguyễn Sáng, Nguyễn Đỗ Cung, Phan Kế An, Nguyễn Tư Nghiêm, Lê Quốc Lộc đã phát triển tranh sơn mài nhưng mới chỉ thuần gam màu nóng. 

Tranh sơn mài sử dụng các vật liệu màu truyền thống của nghề sơn như sơn then, sơn cánh gián làm chất kết dính, cùng các loại son, bạc thếp, vàng thếp, vỏ trai, v.v vẽ trên nền vóc màu đen. Những họa sĩ Việt Nam đầu tiên học tại trường Mỹ thuật Đông Dương đã tìm tòi phát hiện thêm các vật liệu khác như vỏ trứng, ốc, cật tre, v.v. và đặc biệt đưa kỹ thuật mài vào tạo nên kỹ thuật sơn mài độc đáo để sáng tác những bức tranh sơn mài thực sự. Thuật ngữ sơn mài và tranh sơn mài cũng xuất hiện từ đó. Tranh có thể được vẽ rồi mài nhiều lần tới khi đạt hiệu quả mà họa sĩ mong muốn. Sau cùng là đánh bóng tranh.

Trích đoạn tranh sơn mài Vườn xuân Bắc Trung Nam của Nguyễn Gia Trí

Sơn mài có những điểm “ngược đời”: muốn lớp sơn vừa vẽ khô, tranh phải ủ trong tủ ủ kín gió và có độ ẩm cao. Muốn nhìn thấy tranh, phải mài mòn đi mới thấy hình. Hầu hết họa sĩ đồng ý rằng kỹ thuật vẽ sơn mài khó và có tính ngẫu nhiên nên nhiều khi các họa sĩ dày dặn kinh nghiệm cũng bất ngờ trước trước một hiệu quả đạt được sau khi mài tranh. Cũng như nhiều nghề khác, nghề làm tranh sơn mài phát triển ở các làng quê như Thái Hạ, Thanh Trì, Hà Nội, làng Tương Binh Hiệp ở Chánh Nghĩa, Phú Cường, Tương Bình Hiệp, Tân An, Định Hòa, Bình Dương, Tiên Sơn – Bắc Ninh…

 

Các công đoạn chính của sơn mài

Có thể nói công nghệ sơn mài chỉ có nguyên lý chung nhưng khác biệt trong kinh nghiệm, kỹ thuật của từng cá nhân, từng người làm nghề. Ngoài ra nó còn được biến đổi kỹ thuật để phục vụ cho các mục đích khác nhau: làm tranh, làm tượng, làm trang trí đồ vật, sơn phủ hoàng kim…Có thể chia sơn mài thành một số công đoạn chính sau: bó hom vóc, trang trí, mài và đánh bóng.

Bó hom vóc: Việc hom bó cốt gỗ đồ vật cần sơn ngày xưa thường được người làm sử dụng giấy bả, loại giấy chế từ gỗ dó nên rất dai, có độ bền hơn vải. Cách bó hom vóc được tiến hành như sau: dùng đất phù sa – ngày nay người thợ có thể dùng bột đá trộn sơn – giã nhuyễn cùng giấy bạc rồi hom, chít các vết rạn nứt của tấm gỗ. Một lớp sơn lại lót một lớp giấy hoặc vải màn. Sau đó phải đục mộng mang cá để cài và gắn sơn cho các nẹp gỗ ngang ở sau tấm vóc (ván gỗ) để chống vết rạn xé dọc tấm vải. Sau đó để gỗ khô kiệt mới hom sơn kín cả mặt trước, mặt sau. Công đoạn này nhằm bảo vệ tấm vóc không thể thấm nước, không bị bối mọt, không phụ thuộc môi trường làm gỗ co ngót. Xử lý tấm vóc càng kỹ, càng kéo dài tuổi thọ cho đồ vật cần sơn, mỗi tác phẩm sơn mài có tuổi thọ 400 – 500 năm. 

Trang trí: Khi có được tấm vóc nói trên hoặc các mô hình chạm khắc bình hoa, hay có bộ đồ khác, người chế các món đồ phải làm các công đoạn gắn, dán các chất liệu tạo màu cho các tác phẩm trước tiên như: vỏ trứng, mảnh xà cừ, vàng, bạc…sau đó phủ sơn rồi lại mài phẳng, tiếp đến dùng màu. Với kỹ thuật sơn phủ tượng và đồ nội thất như: hương án, hoành phi, câu đối… người thợ phải làm trong phòng kín và quây màn xung quanh để tránh gió thổi các nguyên liệu: quỳ vàng, quỳ bạc, tránh bụi bám vào nước sơn còn ướt. 

Mài và đánh bóng: Vì dầu bóng đã pha màu để vẽ nên độ bóng chìm trong cốt màu tạo thành độ sâu thẳm của tranh, do đó mỗi lần vẽ phải mài. Người xưa sử dụng lá chuối khô để làm giấy nháp. Đến nay, nguyên tắc đánh bóng tranh lần cuối chưa có gì thay thế phương pháp thủ công vì loại tranh này không phép được phủ dầu bóng. Đó cũng chính là điểm độc đáo của tranh sơn mài. Sự thành công của một bức tranh sơn mài phụ thuộc rất lớn vào công đoạn sau cùng. Có một số thứ để mài và đánh bóng như: than củi xoan nghiền nhỏ, tóc rối, đá gan gà.v.v…

Gió mùa hạ. Tranh sơn mài của Phạm Hậu, 1940

 

Sáng tạo hay rời xa truyền thống

Công chúng yêu hội họa ai cũng mừng khi thấy dòng tranh sơn mài truyền thống của dân tộc có những nét mới hứa hẹn sự khởi sắc trước sự sáng tạo không ngừng của lớp họa sĩ trẻ.  Nhưng không ít người trong số đó ái ngại khi biết có họa sĩ trong vòng 2 – 3 năm đã sáng tác ra vài chục bức tranh sơn mài. Con số đấy đã ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng của tranh như thế nào. Bởi theo cách làm sơn mài truyền thống thì để hoàn thành một bức tranh người họa sĩ phải mất hàng tháng, thậm chí hàng năm.

Để chạy theo số lượng, nhiều họa sĩ đã sử dụng hóa chất nhập ngoại như sơn điều, sơn Nhật Bản để vẽ, các công đoạn khác cũng ứng dụng máy móc công nghiệp chứ không còn là thủ công như trước. Có người nói, thế thì đâu còn là tranh sơn mài nữa có lẽ nên gọi là tranh sơn Nhật thì đúng hơn. Người làm tranh sơn mài truyền thống đích thực phải là người tuân thủ và phát huy những truyền thống quý của dân tộc, chỉ dùng sơn ta chứ không dùng sơn công nghiệp để vẽ. 

Lại có những họa sĩ đương đại vẽ tranh sơn mài nhưng lại bỏ qua khâu mài, và thay vì làm nhẵn thì họ lại làm sần sùi đi hoặc dùng thêm các chất liệu để phủ, đắp, gắn lên tranh sơn mài. Tuy cách làm đó vẫn chưa đạt đến được những tạo hình có nghệ thuật, có thẩm mỹ và tương đối mới lạ, song đã đi khá xa so với nghệ thuật truyền thống. Theo ông Lê Huy Tiếp – Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Mỹ thuật Việt Nam thì thế giới vẫn gọi chung “sơn mài” là “lacquer” (vẽ bằng chất liệu sơn) – tức là có mài hay không cũng không quan trọng, còn ở Việt Nam, sơn mài có nghĩa là sơn và mài. Như vậy nếu chỉ có phần sơn mà bỏ qua phần mài thì không thể gọi là sơn mài được.

Bạch Liên. Tranh sơn mài của họa sĩ Nguyễn Văn Huyên, 2020.

 

Nhiều người không phản đối việc dùng các chất liệu sơn khác nhau trong dòng tranh sơn mài kể cả việc không mài trong tranh. Điều mà họ quan tâm là bức tranh đó có đẹp không, có chứa đựng sự sáng tạo nào không? Thậm chí họ còn cho rằng đó là cách để thổi hơi hướng hiện đại vào nghệ thuật truyền thống, đó mới là sự sáng tạo thực thụ của người nghệ sĩ đương đại. 

Vậy nhưng, có một  điều cần phải nhắc lại là: Thế giới quan tâm đến hội họa Việt Nam chính bởi Việt Nam có chất liệu sơn mài.Những họa sĩ làm tranh sơn mài được thế giới thừa nhận cho đến nay vẫn chỉ là những người trung thành với kỹ thuật truyền thống. Dù những tìm tòi sáng tạo của các họa sĩ có phong phú đa dạng đến thế nào thì tranh sơn mài chỉ thực sự có giá trị độc đáo khi giữ được chất liệu truyền thống và quy trình sáng tác hoàn toàn thủ công. 

 

Nguồn: Tổng hợp

 

Để lại bình luận