Sơn mài & màu sắc trên tranh
Sơn mài là nhựa của loại cây sơn chỉ trồng được tại một số khu vực nhất định ở miền Bắc Việt Nam. Nhựa cây sơn được thu hoạch theo cách tương tự như cao su, bằng cách rạch một đường trên thân cây và để nhựa chảy ra.
Sơn mài tươi có màu trắng và chuyển sang màu nâu khi tiếp xúc với không khí. Nhiều người cho rằng, nhựa sơn mài rất lành, nhưng không hề. Chúng có chứa chất gây kích ứng da và là nguyên nhân gây viêm da tiếp xúc, cũng như có khả năng gây ung thư.
Sơn mài đen bắt nguồn từ phản ứng hóa học giữa sơn mài và sắt, và muốn có dung dịch sơn mài đen truyền thống, thợ sơn sẽ khuấy dung dịch sơn mài bằng thanh sắt trong vài ngày. Sơn mài sẽ được trộn với nhiều loại thuốc nhuộm tự nhiên hoặc nhân tạo khác nhau để tạo ra màu sắc mà các họa sĩ sơn mài mong muốn.
Ví dụ như để tạo sắc một số sắc thái của màu đỏ, họa sĩ sẽ trộn sơn mài với một loại khoáng chất màu đỏ tự nhiên, cinnabar (sunfua thủy ngân). Ngoài ra, màu trắng trên tranh sơn mài được lấy từ vỏ trứng. Trứng vịt được sử dụng vì chúng có kết cấu tốt hơn trứng gà mái. Vỏ trứng được làm sạch và đôi khi còn được đốt lên để có màu hơi nâu. Hầu hết các màu sáng hơn trong bảng màu vẽ tranh sơn mài được pha trộn với các loại thuốc nhuộm nhân tạo.
Vàng lá và bạc cũng là chất liệu khá phổ biến trên tranh sơn mài. Chúng thường được sử dụng bên dưới các lớp màu để tạo ra hiệu ứng ánh sáng rực rỡ. Mặt khác, vàng lá thường được dùng làm lớp cuối cùng, tạo nên ánh sáng bắt mắt dưới ánh sáng mặt trời. Một loạt các vật liệu khác cũng có thể được sử dụng như vỏ sò, cát, epoxy và đất sét.
Một số bước tạo nên một bức tranh sơn mài
Để tạo nên một bức tranh sơn mài hoàn chỉnh, họa sĩ phải trải qua một quá trình sáng tạo đòi hỏi sự kiên nhẫn và kỹ thuật cao. Quá trình này có thể mất vài ngày, thậm chí vài tháng, tùy thuộc vào kỹ thuật cụ thể của nghệ nhân và bao nhiêu lớp sơn mài được phủ lên tấm ván.
Đầu tiên, bố cục của bức tranh có thể được vẽ bằng phấn trên bảng, màu trắng của vỏ trứng sẽ được đặt vào bề mặt tấm ván. Những mảnh vỏ trứng đã được làm sạch sẽ được dán vào các hốc, sau đó bề mặt được làm nhẵn. Một lớp sơn mài phủ lên chúng và để khô, sau đó hoa văn sẽ được đánh bóng.
Bên cạnh đó theo ý đồ của họa sĩ, vàng và bạc thếp sẽ được dán lên bề mặt tranh. Các lớp sơn mài màu sau đó mới được vẽ bằng cọ, mỗi lớp có một màu khác nhau. Ở giữa, một lớp sơn mài trong suốt cũng được bao phủ lên. Trên một tác phẩm, có thể có một vài hoặc hơn chục lớp sơn mài và lớp phủ trong suốt được sử dụng. Từng lớp sơn phải được làm mịn, khô hoàn toàn trước khi phủ một lớp sơn khác lên.
Tác phẩm sơn mài “Lễ hội” của họa sĩ Trần Tuấn Long đang trưng bày tại LanVu Gallery
Quan trọng nhất trong các giai đoạn sáng tác tranh sơn mài là họa sĩ phải chà và đánh bóng các phần khác nhau của bức tranh cho đến khi có được màu sắc và họa tiết ưa thích. Mọi động tác đánh bóng phải được thực hiện hết sức cẩn thận bằng cách sử dụng giấy nhám mịn và hỗn hợp bột than và tóc người. Họa sĩ phải nhớ mình phủ màu gì ở những lớp nào, đồng thời phải cực kỳ cẩn thận, vì chà quá mạnh bức tranh sẽ bị hỏng không thể phục hồi.
Tranh sơn mài tương đối bền nếu như người họa sĩ tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình làm vóc đến vẽ tranh. Bề mặt của sơn mài trong suốt có tác dụng bảo vệ và bức tranh có thể dễ dàng được đánh bóng bằng lòng bàn tay để bức tranh trong và bóng hơn. Chính vì vậy, tranh sơn mài Việt Nam vừa là một món quà và vừa là một sản phẩm nghệ thuật hội họa có giá trị cao có thể được lưu giữ vẹn nguyên qua nhiều thế hệ.
Xem thêm phần 1 tại đây