Những bức tranh sơn dầu lâu đời nhất được biết đến được tạo ra bởi các nghệ sĩ Phật giáo ở Afghanistan và có niên đại từ thế kỷ thứ 7 sau Công nguyên. Kỹ thuật liên kết các chất màu trong dầu đã được biết đến ở Châu Âu ít nhất là vào thế kỷ 12. Người châu Âu áp dụng sơn dầu bắt đầu từ hội họa Hà Lan sớm ở Bắc Âu, và đến đỉnh cao của thời kỳ Phục hưng, kỹ thuật sơn dầu đã gần như thay thế hoàn toàn việc sử dụng sơn tempera ở phần lớn các nước châu Âu.

Trong những năm gần đây, sơn dầu pha trộn nước đã trở nên phổ biến. Sơn hòa tan trong nước được thiết kế hoặc thêm chất nhũ hóa cho phép chúng được pha loãng với nước thay vì pha loãng sơn và cho phép thời gian khô rất nhanh khi được pha loãng vừa đủ (1-3 ngày) khi so sánh với các loại dầu truyền thống (1 -3 tuần).

Từ năm 1925, khi thực dân Pháp mở trường Mỹ thuật Đông Dương, tranh sơn dầu bắt đầu du nhập vào Việt Nam. Hai vị giáo sư người Pháp nổi tiếng tại Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương thời bấy giờ là Victor Tardieu và Joseph Inguimberty đã bắt đầu dạy học trò của mình cách vẽ tranh sơn dầu. Chính ngôi trường này đã góp phần làm hình thành nên nhiều họa sĩ nổi tiếng của nghệ thuật hiện đại Việt Nam với tác phẩm chất liệu sơn dầu như Tô Ngọc Vân, Lê Phổ, Trần Văn Cẩn, Lưu Văn Sìn, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, v.v. Cho đến nay, cùng với sơn mài, thì sơn dầu đang trở thành một chất liệu chủ đạo của nền hội hoạ Việt Nam; đồng thời là nền tảng cho các họa sỹ trẻ sáng tạo nên những tác phẩm mang giá trị nghệ thuật đích thực, là món ăn tinh thần cho những người yêu nghệ thuật hội họa.

Tác phẩm “Em Thúy” của họa sĩ Trần Văn Cẩn

 

Giai đoạn đầu (1925-1945)

Giai đoạn thuộc thời kỳ Đông Dương, nền hội họa sơn dầu Việt Nam đã có nhiều chuyển biến về sắc thái riêng biệt; điều này được phản ánh qua những tác phẩm có tầm ảnh hưởng rất lớn như những kiệt tác nghệ thuật độc bản “Thiếu nữ bên hoa sen”, “Thiếu Nữ bên Hoa Huệ”, “Hai thiếu nữ và em bé” – Tô Ngọc Vân, “Em Thúy” – Trần Văn Cẩn, v.v. Các họa sĩ Việt Nam đã đi từ trường phái Cổ Điển đến Hiện Thực, và dần dà tiếp cận đến các trường phái nghệ thuật hiện đại Hiện Đại.

Tác phẩm “Thiếu nữ bên hoa huệ” của họa sĩ Tô Ngọc Vân

 

Giai đoạn hai (1945-1975)

Đây là giai đoạn nổi bật thứ hai – một thời cực thịnh của trường phái hội họa Hiện Đại như: Lập thể, Ấn tượng, Siêu thực, Trừu tượng, v.v. Ở giai đoạn này, các họa sĩ nhận được nhiều sự yêu mến và ngưỡng mộ của đa số công chúng coi trọng. Mặc dù, chất liệu sơn dầu có nguồn gốc phương Tây và được du nhập từ văn hóa Châu Âu – nhưng các họa sĩ Việt Nam đã làm nên các tác phẩm mang đậm đà tính dân tộc Việt Nam.

Tranh sơn dầu “Một buổi cày” của Lưu Công Nhân

Giai đoạn ba (1975-1990)

Bắt đầu từ giai đoạn này trở về sau, nền mỹ thuật Việt Nam như được hồi sinh khi chứng kiến nhiều phong cách vẽ mới lạ từ chất liệu sơn dầu tạo ra sự phong phú đa dạng, đa chiều. Các tác phẩm phản ánh hiện thực lich sử của đất nước ta trong hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm và xây dựng tổ quốc Viêt Nam.

Tác phẩm “Chiến lũy” của họa sĩ Lê Anh Vân

Tiếp thu và kế thừa những thành tựu về văn hóa hội họa nói chung và mỹ thuật hiện đại nói riêng của các họa sĩ thế hệ đầu của Việt Nam, những thế hệ tiếp theo đã tiếp tục tìm tòi, thử nghiệm chất liệu, tạo ra nhiều chất liệu mới, từ đó tạo ra nhiều tác phẩm có giá trị góp phần tạo nên một nền mỹ thuật vừa mang tính dân tộc, vừa mang tính thời đại, mang lại những đóng góp to lớn cho nền hội họa Việt Nam.

Nguồn: Tổng hợp

 

 

 

 

Để lại bình luận